Ba Đồn Mạn Thuật
Một cuốn dư địa chí tuyệt vời về người và đất vùng đất Ba Đồn
Khi đọc “Ba Đồn mạn thuật”, nhà văn chuyên viết về nông thôn Hoàng Minh Tường thốt lên: “Bằng cuốn sách này, phải phong tặng Nguyễn Quang Lập danh hiệu Giáo sư, Tiến sĩ”. Một vị giáo sư, tiến sĩ thật sự, là ông Trần Ngọc Vương, cũng là người ở vùng Ba Đồn, nói: “Công trình này ngang tầm cỡ kết quả tâm huyết của một viện nghiên cứu uy tín, phải thực hiện không dưới 10 năm, kinh phí vài chục tỉ đồng”.
Ba Đồn là quê hương của tác giả Nguyễn Quang Lập, ban đầu nơi đây là một cái làng cổ, có tên là Phan Long, lập nên từ thời Hậu Lê, ở bờ bắc sông Gianh, với những thời đoạn lịch sử nhiều biến cải, xung đột, chiến tranh, chia cắt từ thời Tiền Lê, Hậu Lý, nhà Trần cho đến thời Hậu Lê và Trịnh – Nguyễn phân tranh thành hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài… Đây là vùng đất chịu nhiều va đập và biến cố lịch sử, nổi tiếng đến ngày nay với ngôi chợ cổ, nón lá Ba Đồn và trong nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, địa thế, phong thủy… đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giao thương – buôn bán, sản vật… Tất cả những gì diễn ra ở đây, từ những sự kiện lớn lao, trọng đại đến ngọn lạch nguồn sông, con tôm con cá đều hiện lên sống động dưới ngòi bút sung sức, tự tại, dưới các lớp tư liệu ngồn ngộn và lời kể duyên dáng, lý thú nhưng thâm trầm, sâu sắc của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Địa là đất, chí là sự ghi chép, địa chí là loại sách ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật, từ những sự kiện lớn lao tới con tôm con cá, không sót một thứ gì. “Ba Đồn mạn thuật” là cuốn địa chí ghi chép về vùng đất Phan Long – Ba Đồn. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả gặp rất nhiều khó khăn vì nơi đây vừa là làng vừa lỵ sở, vừa làng vừa thị tứ, thị trấn và thị xã… Rất phức tạp. Trong khi chiến tranh đã đốt phá hết mọi tư liệu lưu giữ ở Đình làng và Nhà thờ họ Nguyễn là họ gốc của làng Phan Long. Nhưng bằng tất cả tâm huyết, bằng tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè… Nguyễn Quang Lập đã cho ra mắt một công trình địa chí đồ sộ.
Sách được in khổ lớn 19×26,5cm, gồm 5 phần:
Phần I: Thời Khai Tiết. Gồm 3 chương kể tường tận về gốc gác của vùng đất Phan Long – Ba Đồn.
Phần II: Phan Long Ngũ Chí. Gồm 5 chương được đặt tên là Thiên chí, Thủy chí, Địa chí, Thị Chí, Nhân chí giúp hiểu đủ ngũ chí tại Ba Đồn.
Phần III: Sử Lược. 4 chương kể về các thời kỳ Thiết chế dưới Triều Nguyễn, Chống Tây xâm, Giành chính quyền và Giải phóng, Thời chiến, thời bình ở Ba Đồn.
Phần IV: Ba Đồn Tạp Lục. Gồm 3 chương đem đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quát nhất về Tập tục, Văn Hóa, Xã Hội đặc trưng ở Ba Đồn.
Phần V: Ba Đồn Ký Sự. Ghi chép lại những sự kiện, những câu chuyện đã được diễn ra tại Ba Đồn.
Với “Ba Đồn mạn thuật”, Nguyễn Quang Lập xuất hiện như một nhà văn hóa có tầm cỡ lớn, một nhà “Ba Đồn học”. Ông dẫn chúng ta đi giữa mênh mang đất và người, xưa và nay, bề mặt và chiều sâu… mà vẫn mạch lạc, chi tiết, duyên dáng, làm chủ, tự tại… Một người kết nối những tấm tình với quê hương của nhiều người con Ba Đồn.
Trên cuốn sách tác giả là Nguyễn Quang Lập, nhưng ở đó có sự góp sức, vun đắp của rất nhiều người, của bạn bè ông ở khắp nơi, đã sẵn lòng hào hiệp cùng ông trong săn tìm tư liệu, chia sẻ cảm xúc, hỗ trợ tinh thần và trợ giúp vật chất cho cả quá trình từ lúc có ý tưởng, trong quá trình thực hiện và đến bây giờ là lan tỏa… Tất cả hợp thành một công trình nghiên cứu đồ sộ với hơn 400 tranh ảnh minh họa sống động, đưa độc giả vào hành trình thú vị tìm hiểu đất và người Ba Đồn.
Tranh bìa: Hội làng Phan Long, tranh khắc gỗ của Nguyễn Thành Trung
Tựa Hán tự “Ba Đồn mạn thuật”- 巴屯漫述 – của nhà thư pháp Xuân Như.
Cuốn sách thuộc tủ sách Lịch sử Việt Nam của Omega Plus.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
NGUYỄN QUANG LẬP
Sinh năm 1956 tại Ba Đồn, Quảng Bình
Là nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch điện ảnh nổi tiếng
Được trao giải nhà biên kịch xuất sắc nhất trong liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.
Một số tác phẩm tiêu biểu:
Sách: Bạn văn, Ký ức vụn, Chuyện nhà quê, Những mảnh đời đen trắng…
Kịch bản điện ảnh: Đời cát, Thung lũng hoang vắng…
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“Từ khi sang tuổi sáu mươi tôi luôn đau đáu về một cuốn sách địa chí về Phan Long – Ba Đồn. Địa là đất, chí là sự ghi chép, địa chí là loại sách ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật, từ những sự kiện lớn lao tới con tôm con cá, không sót một thứ gì. Một cuốn sách như thế rất cần cho các thế hệ trẻ và con cháu đời sau một khi họ muốn biết quê cha đất tổ ra sao, tổ tiên ông bà đã sống thế nào.”
– Nguyễn Quang Lập
“Ba Đồn mạn thuật không những giúp tôi hiểu hơn về con người, truyền thống văn hóa của vùng đất Ba Đồn hiên ngang, mạnh mẽ với lịch sử 500 năm mà còn khiến tôi cảm nhận được tình yêu, sự gắn bó sâu nặng của những người con Ba Đồn hôm nay với quê hương, bản quán. Chính vì thế, khi đọc cuốn sách này, tôi ước ao có thêm thật nhiều những cuốn dư địa chí như thế về những vùng đất khác, thậm chí cả về Đống Đa – Trung Liệt, nơi đầy những kỷ niệm tuổi thơ của tôi…”
– Nguyễn Cảnh Bình
Đánh giá Ba Đồn Mạn Thuật
Chưa có đánh giá nào.